Siết chặt công tác quản lý trang thiết bị y tế
Ngày: 07/07/2017

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7. Theo đó, lần đầu tiên sẽ thực hiện cấp số đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế có hiệu lực trong vòng 5 năm.

07-siet-chat-quan-ly-thiet-bi-y-te-9cd4e

Trang thiết bị y tế vi phạm những quy định về chất lượng, gây sự cố với sức khỏe con người sẽ bị rút số đăng ký lưu hành

Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2016/NĐ-CP nhằm siết chặt công tác quản lý trang thiết bị y tế

Liên quan đến vấn đề này, đại diện của Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, với quy định này, trong quá trình lưu hành, nếu trang thiết bị y tế nào vi phạm các quy định về chất lượng, gây sự cố với sức khỏe con người sẽ bị rút số đăng ký lưu hành. Cũng theo Nghị định này thì trang thiết bị y tế được phân loại quản lý theo mức độ rủi ro chứ không phân loại theo nhóm kỹ thuật với 4 mức A, B, C và D như trước đây.

Cụ thể, nhóm 1 bao gồm trang thiết bị y tế thuộc loại A là những thiết bị có mức độ gây rủi ro thấp nhất, đơn vị sở hữu sẽ công bố chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm (như: Bông, băng, giường điều trị thông thường…).

07-thiet-bi-y-te-e1467719340843-4427768f

Các tổ chức, cá nhân thực hiện xuất khẩu nhập khẩu trang thiết bị y tế phải phải chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng về trang thiết bị y tế mà mình xuất khẩu, nhập khẩu.

Nhóm 2 (gồm trang thiết bị y tế thuộc loại B, C và D), trong đó loại B là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro trung bình thấp; trang thiết bị y tế thuộc loại C có mức độ rủi ro trung bình cao và loại D có mức độ rủi ro cao (như: Trang thiết bị cấy ghép vào cơ thể người). Với các trang thiết bị loại C và D sẽ phải qua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng (trên người) về tính an toàn trước khi được đưa vào sử dụng chính thức.

Theo Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, các quy định trên nhằm bảo đảm việc chịu trách nhiệm về chất lượng trang thiết bị y tế lưu hành, ngăn chặn thiết bị nhập lậu, không rõ nguồn gốc, giảm thiểu thấp nhất rủi ro cho người bệnh. Ngoài ra, Bộ Y tế, các tỉnh, thành sẽ phải công bố công khai trên website về giá trúng thầu các trang thiết bị y tế để các đơn vị tham khảo khi xây dựng kế hoạch, phê duyệt giá thầu, trúng thầu, nhằm giảm bớt tình trạng mua bán lòng vòng qua nhiều khâu khiến giá thiết bị tăng cao bất hợp lý.

Nghị định này cũng nêu rõ các tổ chức, cá nhân thực hiện xuất khẩu nhập khẩu trang thiết bị y tế cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu đồng thời phải chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng về trang thiết bị y tế mà mình xuất khẩu, nhập khẩu.

Trang thiết bị y tế đã có số lưu hành tại Việt Nam được phép xuất khẩu, nhập khẩu theo nhu cầu, không hạn chế số lượng đồng thời không phải qua Bộ Y tế phê duyệt.

Việc nhập khẩu trang thiết bị y tế đã qua sử dụng, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập hoặc chuyển khẩu, quá cảnh trang thiết bị y tế phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm việc cấp phép cũng như thu hồi giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với các trang thiết bị y tế. Thủ tục cấp và thu hồi giấy chứng nhận lưu hành tự do phải tuân thủ quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do.

Việc cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do chỉ áp dụng đối với những trang thiết bị y tế xuất khẩu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

TRUNG TÂM Y TẾ QUẬN CÁI RĂNG